Lịch sử Binh chủng Radar, Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 21 tháng 3 năm 1958, Trung đoàn ra đa cảnh giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập với tên gọi Trung đoàn đối không cần vụ 260[1]

Cũng trong năm 1958, nhiều cán bộ của binh chủng phòng không-không quân của Việt Nam được đưa sang Liên Xô nhằm đào tạo về cách sử dụng ra đa cảnh giới, ra đa trinh sát và ra đa dẫn đường tên lửa SAM. Họ được huấn luyện tại các thành phố Leningrad, Kiev, Odessa, Minsk...

Sau một năm huấn luyện, Trung đoàn đối không cần vụ 260 trở về nước năm 1959 và bắt đầu phát sóng ngay vào ngày 1 tháng 3. Ngày này được chọn là ngày truyền thống của binh chủng.

Loại radar đầu tiên của Trung đoàn 260 là loại Radar P-8 (tên mã định danh NATO là Knife Rest A) có tổng trọng lượng trạm là 17 tấn, sử dụng băng sóng dài VHF, công suất bức xạ phát sóng là 70-75 kW, độ nhạy của máy thu là 7mV, độ phân giải theo tầm xa là 2,5 km, theo góc phương vị là 24 độ. Toàn bộ tổ hợp của đài radar P-8 được bố trí trên hai xe vận tải quân sự Zil-157. P-8 là đài radar cảnh giới phòng không 2 tham số hiện đại vào thời điểm đó, có tầm phát hiện mục tiêu lên đến 150 km, độ cao phát hiện lên đến 10 km, tốc độ quay radar 2 vòng/phút.

Ngày 20 tháng 4 năm 1966, thành lập Trung đoàn ra đa 293, thuộc sư đoàn phòng không 361. Ngày 23 tháng 3 năm 1967, thành lập các Binh chủng Ra-đa, Quân chủng Phòng không-Không quân.

Trong Chiến tranh Việt Nam, Binh chủng ra đa của Việt Nam được trang bị khá hiện đại, các loại khí tài có nguồn gốc từ Liên Xô. Hệ thống radar cảnh giới và dẫn đường cho không quân kết hợp với hệ thống tên lửa phòng không và không quân tiêm kích. Tuy bị hơn hẳn về kinh nghiệm và chiến thuật, nhưng binh chủng Ra đa nói riêng và các đơn vị phòng không -không quân đã chiến đấu khá sáng tạo, vô hiệu hóa được các thủ thuật chiến tranh điện tử và chống trả quyết liệt với Không quânHải quân Hoa Kỳ. Có khả năng vô hiệu hóa chiến thuật SEAD của phi công Mỹ dùng tên lửa chống ra đa AGM-45 Shrike để tiêu diệt các ra đa cảnh giới dẫn đường, vô hiệu hóa chiến thuật sử dụng máy phá sóng ALQ-71 nhằm ngăn chặn ra đa dẫn đường cho tên lửa SAM-2 của phi công Mỹ.[2]

Hệ thống Ra đa của binh chủng đã được phân bố dọc bờ biển miền bắc và một số vị trí binh trạm phía bắc dọc theo tuyến đường Trường Sơn, được ngụy trang kĩ lưỡng và hoạt động thường xuyên 24/24, phủ sóng gần như toàn bộ miền Bắc lúc bấy giờ.[3]

Cũng giống như các lực lượng khác, binh chủng ra đa cũng đang tham gia vào kế hoạch hiện đại hóa ví dụ như được trang bị 4 hệ thống Kolchuga đời mới mua của Ukraina. Hiện nay, các Trung đoàn ra đa cảnh giới trên không được biên chế vào các sư đoàn phòng không, phối hợp tác chiến cùng lực lượng phòng không-không quân, còn các đơn vị ra đa cảnh giới bờ biển thì phối hợp với binh chủng tên lửa-pháo bờ biển.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Binh chủng Radar, Quân đội nhân dân Việt Nam http://www.youtube.com/watch?v=r_xiPSC80gg http://phungquangthanh.net/tiet-lo-soc-viet-nam-so... http://m.kienthuc.net.vn/vu-khi/201306/Lo-them-rad... http://m.kienthuc.net.vn/vu-khi/201306/Suc-manh-ma... http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/khoa-hoc-n... http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/6152... http://news.zing.vn/Radar-canh-gioi-P14-cua-Viet-N... https://www.facebook.com/1stbrigade/photos/a.60590... https://archive.is/20130703191003/www.qdnd.vn/qdnd...